Hướng dẫn chấm thầu qua mạng mới nhất

Chủ nhật - 16/07/2023 22:48
Hiện nay phần lớn các gói thầu đều tiến hành đấu thầu qua mạng, chính vì vậy không ít nhà thầu muốn tìm hiểu cách đánh giá hồ sơ dự thầu hay còn gọi là chấm thầu qua mạng diễn ra như thế nào? Bài viết dưới đây Huongdandauthau.com sẽ hỗ trợ quý nhà thầu hiểu rõ hơn về cách chấm thầu qua mạng.
Hướng dẫn chấm thầu qua mạng
Hướng dẫn chấm thầu qua mạng
  1. Chấm thầu là gì?

Chấm thầu, hay còn được gọi là đánh giá hồ sơ dự thầu, là một phần quan trọng trong quá trình đấu thầu để chọn nhà thầu hoặc nhà đầu tư phù hợp. Sau khi hồ sơ mời thầu được phát hành, khi thời gian đóng/mở thầu đến, Bên mời thầu sẽ mở hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham gia. Sau khi kiểm tra sơ bộ, các hồ sơ dự thầu sẽ được giao lại cho tổ chấm thầu (tổ chuyên gia) để tiến hành đánh giá. 

Tổ chấm thầu có thể làm việc độc lập từng thành viên hoặc làm việc tập trung và có ý kiến chung trong báo cáo đánh giá. Việc chấm thầu được thực hiện dựa trên hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt và các quy định liên quan về đấu thầu. 

Sau khi chấm thầu, tổ chấm thầu sẽ lập báo cáo đánh giá và gửi lại cho bên mời thầu để thực hiện các bước tiếp theo. Báo cáo cần nêu rõ việc xếp hạng nhà thầu, điểm kỹ thuật hoặc kiến nghị nhà thầu trúng thầu tùy thuộc vào từng gói thầu cụ thể.

  1. Nguyên tắc chấm thầu

Việc chấm thầu qua mạng phải thực hiện theo 3 nguyên tắc cụ thể:

  • Nguyên tắc 1: Để đánh giá hồ sơ dự thầu, cần dựa vào tiêu chuẩn và yêu cầu được đề ra trong hồ sơ mời thầu. Việc này bao gồm xem xét hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích và làm rõ nội dung của hồ sơ dự thầu từ phía nhà thầu. Mục đích là đảm bảo chọn lựa một nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc giải thích và làm rõ hồ sơ dự thầu không được thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ đã nộp, không thay đổi giá dự thầu và không thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu đã nộp.

  • Nguyên tắc 2: Việc đánh giá được tiến hành trên bản chụp và nhà thầu phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa hai phiên bản nhưng không ảnh hưởng đến thứ tự xếp hạng của các nhà thầu, ta sẽ căn cứ vào bản gốc để tiến hành đánh giá. Tuy nhiên, trong trường hợp đấu thầu qua mạng, điều này trở nên không cần thiết vì các file hồ sơ dự thầu đều là bản chụp (có thể được tạo từ bản gốc).

  • Nguyên tắc 3: Nếu có sự khác biệt giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác với kết quả đánh giá trên bản chụp và làm thay đổi thứ tự xếp hạng của các nhà thầu, hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại bỏ.

  1. Quy trình chấm thầu qua mạng

Chấm thầu qua mạng được quy định thực hiện 1 trong 2 quy trình như sau:
 

cthau thực hiện ntn
Quy trình chấm thầu qua mạng

Quy trình 01: Áp dụng đối với phương pháp “giá đánh giá” và “giá thấp nhất”:

  • Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT.

  • Bước 2: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Đánh giá năng lực, kinh nghiệm được thực hiện trên cơ sở các tài liệu mà nhà thầu đã kê khai trên hệ thống mà không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm các tài liệu để chứng minh.

  • Bước 3: Đánh giá về kỹ thuật.

  • Bước 4: Xếp hạng nhà thầu.

Quy trình 02: Áp dụng đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá E-HSDT theo phương pháp “giá thấp nhất” và các E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào:

  • Bước 1: Xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu thấp nhất (không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu theo Điều 16 Thông tư này);

  • Bước 2: Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

  • Bước 3: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

  • Bước 4: Đánh giá về kỹ thuật của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.

*** Lưu ý: Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất không đáp ứng thì thực hiện các bước đánh giá nêu trên đối với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

  1. Hướng dẫn chấm thầu qua mạng mới nhất

Hướng dẫn được tổng hợp theo các nội dung quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐTNghị định số 63/2014/NĐ-CP. Đối với đấu thầu tư nhân, vốn không bị ràng buộc bởi Luật Đấu thầu thì tùy theo yêu cầu chủ đầu tư đưa ra trong hồ sơ mời thầu mà thực hiện đánh giá theo các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, các bước có thể nhiều hoặc ít hơn.

4.1. Nguyên tắc đánh giá Hồ sơ dự thầu

  • Việc đánh giá E-HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT và các yêu cầu khác trong E-HSMT, các tài liệu làm rõ E-HSMT, căn cứ vào E-HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ E-HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu;

  • Sau khi lựa chọn được danh sách ngắn, trường hợp nhà thầu thay đổi tư cách tham dự thầu thì gửi văn bản đến bên mời thầu để xem xét, chấp thuận. Trường hợp bên mời thầu chấp thuận, nhà thầu phải đính kèm các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm trong E-HSDT theo tư cách tham dự thầu mới;

  • Đối với các nội dung Hệ thống đánh giá tự động, trường hợp nhà thầu không kê khai thông tin hoặc có kê khai nhưng không đúng, không đầy đủ, không đáp ứng theo yêu cầu của E-HSMT thì Hệ thống sẽ đánh giá nhà thầu "không đạt" ở nội dung này. Tổ chuyên gia không thể sửa đổi kết quả đánh giá từ "không đạt" thành "đạt" khi Hệ thống đã đánh giá "không đạt". Trường hợp các thông tin mà nhà thầu cam kết, kê khai trong E-HSDT không trung thực dẫn đến làm sai lệch kết quả đánh giá E-HSDT của nhà thầu thì nhà thầu sẽ bị coi là gian lận và bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 122 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP;

  • Đối với bảo đảm dự thầu, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin kê khai trên webform và file đính kèm thì thông tin trong file đính kèm là cơ sở để đánh giá;

  • Đối với hợp đồng tương tự, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin về hợp đồng kê khai trên webform và file tài liệu chứng minh các thông tin về hợp đồng đó thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ E-HSDT;

  • Trường hợp các hợp đồng mà nhà thầu kê khai, đính kèm trong E-HSDT không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung hợp đồng khác từ hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống để đáp ứng yêu cầu của E-HSMT trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 03 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có hợp đồng đáp ứng yêu cầu của E-HSMT thì nhà thầu bị loại.

  • Đối với xuất xứ của hàng hóa, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin kê khai trên webform và file đính kèm thì bên mời thầu yêu cầu làm rõ E-HSDT;

  • Đối với các nội dung ngoài các nội dung nêu tại các điểm d, đ và e khoản này, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin kê khai trên webform và file đính kèm thì thông tin trên webform là cơ sở để xem xét, đánh giá;

  • Tại bước đánh giá về tài chính, trường hợp nhà thầu không kê khai thông tin trong biểu mẫu về ưu đãi hàng hóa sản xuất trong nước (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) để làm cơ sở tính toán ưu đãi thì nhà thầu sẽ không được hưởng ưu đãi;

  • Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải chuẩn bị các tài liệu để đối chiếu, chứng minh các thông tin mà nhà thầu kê khai trong E-HSDT. Đối với các nội dung về tính hợp lệ, lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi của nhà thầu, thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh thu bình quân hằng năm, giá trị tài sản ròng đã được Hệ thống đánh giá tự động là "đạt" theo thông tin kê khai, trích xuất trong E-HSDT mà tổ chuyên gia đánh giá lại là "không đạt" thì tổ chuyên gia chỉnh sửa lại kết quả đánh giá từ "đạt" thành "không đạt". Trong trường hợp này, bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng mà không phải phê duyệt lại danh sách xếp hạng. Đối với thông tin về thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh thu bình quân hằng năm, giá trị tài sản ròng từ năm 2021 trở đi, bên mời thầu chỉ đối chiếu nếu nhà thầu cập nhật thông tin mà không đối chiếu trong trường hợp các thông tin trên do Hệ thống tự động trích xuất từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thuế điện tử.

4.2. Các bước đánh giá

  • Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, gồm:

+ Bảo đảm dự thầu

+ Thỏa thuận liên danh (nếu có);

+ Tư cách hợp lệ của nhà thầu: Nội dung này hệ thống tự động đánh giá trên webform;

Trường hợp tổ chuyên gia phát hiện Hệ thống đánh giá nhà thầu "đạt" là chưa chính xác thì tổ chuyên gia có quyền đánh giá lại để làm kết quả đánh giá ở nội dung này và nêu rõ ý kiến tại cột "nhận xét của chuyên gia". Trường hợp Hệ thống đánh giá "không đạt" thì nhà thầu bị loại. Đối với các nội dung Hệ thống tự động đánh giá "không đạt", Tổ chuyên gia không thể sửa đổi kết quả đánh giá từ "không đạt" thành "đạt".

  • Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm

+ Lịch sử không hoàn thành hợp đồng: Hệ thống đánh giá căn cứ thông tin nhà thầu kê khai trên webform

+ Thực hiện nghĩa vụ thuế: Hệ thống đánh giá căn cứ cam kết của nhà thầu trong đơn dự thầu

+ Kết quả hoạt động tài chính, doanh thu bình quân hàng năm:  Đối với số liệu từ 2021 trở đi, Hệ thống đánh giá căn cứ thông tin được trích xuất hoặc thông tin do nhà thầu cập nhật; đối với số liệu trước năm 2021, hệ thống đánh giá căn cứ thông tin do nhà thầu kê khai.

+ Nguồn lực tài chính (đối với gói thầu xây lắp):  Đối với cam kết cung cấp tín dụng, tổ chuyên gia căn cứ vào tài liệu đính kèm để đánh giá. Cam kết cung cấp tín dụng bổ sung sau thời điểm đóng thầu sẽ không được xem xét, đánh giá. Trường hợp cam kết tín dụng của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, tổ chuyên gia tiếp tục đánh giá nguồn lực tài chính căn cứ thông tin kê khai, trích xuất trên webform.

+ Đối với các nội dung về hợp đồng tương tự; nhân sự chủ chốt; thiết bị thi công chủ yếu; khả năng bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác: Tổ chuyên gia đánh giá.

+ Tổ chuyên gia ghi rõ ý kiến nhận xét đối với các nội dung tổ chuyên gia đánh giá là không đạt.

  • Đánh giá về kỹ thuật: Căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá nêu trong hồ sơ mời thầu, Tổ chuyên gia thực hiện đánh giá các hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí này.

  • Đánh giá về giá, được thực hiện qua các nội dung:

+ Xác định giá trị hiệu chỉnh sai lệch thừa (Chỉ áp dụng đối với gói thầu xây lắp áp dụng hợp đồng trọn gói -nếu có);

+ Giá trị giảm giá (nếu có);

+ Xác định ΔG (Đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá);

+ Xác định danh mục hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi và đối tượng không thuộc hàng hóa ưu đãi của gói thầu (nếu có với gói thầu mua sắm hàng hóa);

+ Xác định ΔƯĐ đối với hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi;

+ Xếp hạng các nhà thầu;

  • Kết luận và kiến nghị: Thực hiện kết luận danh sách các nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng và những nội dung liên quan khác.

  • Ý kiến bảo lưu: Ghi những ý kiến bảo lưu khác biệt của các thành viên khác trong tổ chuyên gia (nếu có).

4.3. Một số lưu ý trong quá trình đánh giá

  • Trường hợp chỉ có 01 nhà thầu tham dự thầu hoặc chỉ có 01 nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật thì không cần xác định giá đánh giá (trong trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá), điểm tổng hợp (trong trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá), không cần xác định ưu đãi, không cần phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu.

  • Sau khi đánh giá E-HSDT, tổ trưởng tổ chuyên gia đính kèm bản scan báo cáo đánh giá E-HSDT (có chữ ký của tất cả thành viên trong tổ chuyên gia) lên Hệ thống. Tổ trưởng tổ chuyên gia chịu trách nhiệm về sự thống nhất giữa bản báo cáo đánh giá E-HSDT scan đính kèm trên Hệ thống và bản báo cáo đánh giá E-HSDT bằng giấy có chữ ký của các thành viên trong tổ chuyên gia.

  • Danh sách xếp hạng nhà thầu không cần phải thẩm định trước khi phê duyệt.

Trên đây là thông tin liên quan đến chấm thầu mà Huongdandauthau.com gửi đến quý nhà thầu. Quý nhà thầu có thắc mắc, cần hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ:

Nguồn:  

https://dauthau.asia/news/thong-tin-ho-tro/cham-thau-la-gi-cach-cham-thau-qua-mang-ra-sao-553.html

Tác giả: Thu Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây