Những nội dung cần nắm khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Thứ năm - 27/06/2024 22:39
Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) là tài liệu quan trọng nhằm đảm bảo quy trình lựa chọn nhà thầu diễn ra minh bạch, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Vậy khi lập KHLCNT, bên mời thầu cần nắm những nội dung nào?
lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được hiểu như thế nào?

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu là một bản kế hoạch do bên chủ đầu tư/ bên mời thầu lập ra cho dự án hoặc dự toán mua sắm. Nội dung chính của văn bản này là các thông tin về gói thầu/ dự án đang chuẩn bị triển khai. 

Thông thường, một kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ gồm một hoặc nhiều gói thầu khác nhau, trong đó ghi cụ thể số lượng gói thầu và các nội dung của từng gói thầu.

05 nguyên tắc cần tuân thủ khi lập Kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Theo quy định tại Điều 37 Luật Đấu thầu 2023, để lập KHLCNT, bên mời thầu cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. 

Đối với dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

2. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, giá gói thầu

Thứ hai, trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, giá gói thầu trên cơ sở toàn bộ thời gian thực hiện gói thầu.

3. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

4. Quy định về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Thứ tư, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có).

5. Quy định việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu 

Thứ năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có dự toán mua sắm, quyết định phê duyệt dự án hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

minh họa lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Hình minh họa)

Các nội dung cần có trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Dưới đây là các nội dung cần có trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu cần nắm để thực hiện theo đúng quy định.

1. Tên gói thầu

Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.

2. Giá gói thầu

Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.

  • Đối với gói thầu chia phần thì ghi rõ giá gói thầu và giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.
  • Đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm quy định tại khoản 8 Điều này, giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm.

Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

3. Nguồn vốn

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt. Trường hợp sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước. Đối với dự toán mua sắm, trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.

4. Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu

Đối với mỗi gói thầu phải xác định cụ thể hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hoặc quốc tế; áp dụng hoặc không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Đối với dự án áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ghi theo nội dung phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

5. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu và thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm. Trường hợp đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.

6. Loại hợp đồng

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải xác định cụ thể loại hợp đồng theo quy định tại Điều 64 của Luật Đấu thầu 2023 để làm căn cứ lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng.

Đối với dự án áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ghi theo nội dung phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

7. Thời gian thực hiện gói thầu

Thời gian thực hiện gói thầu được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, hàng hóa (bao gồm cả dịch vụ liên quan, nếu có), dịch vụ phi tư vấn, tư vấn. Thời gian thực hiện gói thầu được tính theo số ngày, số tuần, số tháng hoặc số năm, không bao gồm thời gian hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, thời gian giám sát tác giả đối với gói thầu tư vấn (nếu có).

8. Tùy chọn mua thêm (nếu có)

Tùy chọn mua thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng.

Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm.

Tùy chọn mua thêm được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: 

  • Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá
  • Khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng
  • Có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm
  • Đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng
  • Chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng

9. Giám sát hoạt động đấu thầu (nếu có).

Như vậy, Huongdandauthau.com đã chia sẻ một số nội dung cần nắm khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hy vọng bên mời thầu sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để quá trình đấu thầu đạt hiệu quả cao hơn.

Trường hợp có thắc mắc về đấu thầu cần giải đáp, bạn có thể liên hệ với Huongdandauthau.com qua:

Nguồn: 06 câu hỏi về Kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong đấu thầu

Tác giả: Hoa Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây