Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP

Thứ sáu - 30/08/2024 06:27
Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu là một nội dung khá quan trọng then chốt trong quá trình thực hiện dự án. Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về việc thẩm định nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Bài viết này, Huongdandauthau.com sẽ chia sẻ một số nội dung về thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mời các bạn cùng tham khảo!
Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP
Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP

Như thế nào là thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu?

Hiện tại chưa có văn bản nào giải thích rõ về khái niệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên bên mời thầu có thể hiểu như sau:

Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu được hiểu là việc kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến nhận xét của tổ thẩm định về việc thực hiện các nội dung trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu có tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu và pháp luật có liên quan hay chưa.

Hồ sơ cần có khi trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 128 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, khi trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần có các hồ sơ sau: 

  1. Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  2. Dự thảo kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  3. Các tài liệu là căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
  4. Tài liệu khác có liên quan.
thẩm định hồ sơ
Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Hình minh họa)

Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những nội dung nào?

Các nội dung thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần phải thực hiện kiểm tra, đánh giá bao gồm:

1. Căn cứ pháp lý để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Xem xét tính phù hợp, đầy đủ của cơ sở pháp lý của việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và những lưu ý cần thiết (nếu có).

Đối với gói thầu đấu thầu trước, việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định tại Điều 42 của Luật Đấu thầu.

2. Phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu

Xem xét sự phù hợp của việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu; việc phân chia thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và sự hợp lý về quy mô gói thầu. 

3. Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những nội dung: 

  • Xem xét sự phù hợp về các nội dung tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu và về sự tuân thủ hoặc phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật khác có liên quan cũng như yêu cầu của dự án, dự toán mua sắm và những lưu ý cần thiết khác (nếu có) đối với phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
  • Xem xét sự phù hợp của tổng giá trị các phần công việc đã thực hiện, phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu, phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nếu có) so với tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm. 
  • Đối với dự toán mua sắm, trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm thì xem xét sự phù hợp của tổng giá trị các phần công việc so với dự toán mua sắm của năm ngân sách, năm tài chính và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách, năm tài chính tiếp theo.

Trên đây là chia sẻ của Huongdandauthau.com về một số nội dung liên quan đến việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP, hy vọng bên mời thầu sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để quá trình đấu thầu đạt hiệu quả cao hơn.

Trường hợp có thắc mắc về đấu thầu cần giải đáp, bạn có thể liên hệ với Huongdandauthau.com qua:

Tác giả: Hoa Phượng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây