Một số quy định về nguyên tắc, nội dung thương thảo hợp đồng trong đấu thầu

Thứ năm - 19/09/2024 03:37
Thương thảo hợp đồng là một bước không thể thiếu trong quá trình thực hiện đấu thầu, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Bài viết sau đây của Huongdandauthau.com sẽ chia sẻ đến bạn một số quy định về nguyên tắc và nội dung khi thương thảo hợp đồng trong đấu thầu.
Một số quy định về nguyên tắc, nội dung thương thảo hợp đồng trong đấu thầu

Khái niệm về thương thảo hợp đồng

Thương thảo hợp đồng là giai đoạn quan trọng sau khi nhà thầu trúng thầu được lựa chọn. Tại đây, bên mời thầu (chủ đầu tư) và nhà thầu sẽ cùng nhau thảo luận, điều chỉnh và hoàn thiện dự thảo hợp đồng để đảm bảo hợp đồng cuối cùng phản ánh đầy đủ ý định của các bên và đáp ứng các yêu cầu của dự án.

Quy định về nguyên tắc thương thảo hợp đồng

Dựa theo khoản 3 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định cụ thể về nguyên tắc thương thảo hợp đồng như sau:

  • Không tiến hành đàm phán các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu đúng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

  • Không thay đổi đơn giá đã được xác định trong quá trình đánh giá tài chính.

Quy định căn cứ thương thảo hợp đồng

Theo khoản 2 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về căn cứ để tiến hành thương thảo hợp đồng như sau:

  • Báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu;

  • Hồ sơ dự thầu và các tài liệu làm rõ hồ sơ dự thầu (nếu có) của nhà thầu;

  • Hồ sơ mời thầu, bao gồm các điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng, cùng với các tài liệu sửa đổi và làm rõ hồ sơ mời thầu (nếu có).

Một số nội dung cần có trong thương thảo hợp đồng trong đấu thầu

Theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, các nội dung cần đàm phán hợp đồng bao gồm:

  • Các chi tiết chưa rõ ràng, chưa đầy đủ hoặc không thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, cũng như các mâu thuẫn giữa các nội dung trong hồ sơ dự thầu, có thể dẫn đến tranh chấp, phát sinh hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;

  • Các sai lệch do nhà thầu phát hiện và đề xuất trong hồ sơ dự thầu (nếu có), bao gồm các đề xuất thay đổi hoặc phương án kỹ thuật thay thế, nếu hồ sơ mời thầu cho phép nhà thầu đưa ra phương án thay thế;

  • Nhân sự chủ chốt: Nhà thầu không được phép thay đổi nhân sự chủ chốt đã đề xuất hoặc đã được thay thế một lần theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định này, trừ trường hợp thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu kéo dài hơn dự kiến trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hoặc vì lý do bất khả kháng mà nhân sự chủ chốt không thể tham gia thực hiện hợp đồng. 

  • Trong trường hợp này, nhà thầu có thể thay thế nhân sự khác, nhưng phải đảm bảo người thay thế có trình độ, kinh nghiệm và năng lực tương đương hoặc cao hơn, đồng thời không được thay đổi giá dự thầu;Các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có), nhằm hoàn thiện các chi tiết của gói thầu;

  • Các nội dung quan trọng khác.

Một số nội dung cần có trong thương thảo hợp đồng
Một số nội dung cần có trong thương thảo hợp đồng

Những tài liệu cần chuẩn bị khi thực hiện thương thảo hợp đồng trong đấu thầu

Theo quy định tại E-HSMT và phụ lục 02A - Biên bản đối chiếu tài liệu, được ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT, các nội dung đối chiếu tài liệu bao gồm:

  • Tính hợp lệ của E-HSDT

  • Năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.

Vì vậy, khi được mời tham gia đối chiếu tài liệu, nhà thầu phải nộp một bộ tài liệu chứng minh tính hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm của mình để bên mời thầu đối chiếu với những thông tin đã kê khai trong E-HSDT, cụ thể bao gồm:

  • Bản gốc bảo đảm dự thầu (trong trường hợp sử dụng thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh bằng văn bản giấy) hoặc tiền mặt hoặc Séc bảo chi theo quy định;

  • Nếu nhà thầu tự cập nhật số liệu về thuế trên Hệ thống từ năm 2021 trở đi (không phải do Hệ thống tự trích xuất), cần cung cấp tài liệu chứng minh việc kê khai và nộp thuế của năm gần nhất, phù hợp với số liệu về thuế trên Hệ thống thuế điện tử. Trường hợp số liệu đã được Hệ thống trích xuất từ Hệ thống thuế điện tử thì nhà thầu không cần xuất trình thêm tài liệu;

  • Tương tự, nếu nhà thầu tự cập nhật số liệu tài chính trên Hệ thống từ năm 2021 trở đi (không do Hệ thống tự trích xuất), cần nộp tài liệu chứng minh tình hình tài chính theo quy định tại Mẫu số 08 Chương IV, phù hợp với số liệu tài chính trên Hệ thống thuế điện tử. Nếu số liệu đã do Hệ thống trích xuất thì không cần nộp thêm tài liệu;

  • Các tài liệu chứng minh về hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã kê khai trong E-HSDT (bao gồm hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh lý, thông tin hóa đơn theo quy định…); cùng với các tài liệu chứng minh năng lực sản xuất (nếu nhà thầu là nhà sản xuất);

  • Tài liệu chứng minh khả năng huy động nhân sự, bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự đã kê khai trong E-HSDT;

  • Các tài liệu khác (nếu có).

Đối với mua sắm tập trung áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu theo khả năng cung cấp, nhà thầu được mời vào đối chiếu tài liệu là tổ hợp các nhà thầu được xếp hạng từ thấp đến cao, đảm bảo tổng số lượng hàng hóa chào thầu không ít hơn số lượng hàng hóa nêu trong E-HSMT.

Trên đây là những chia sẻ của Huongdandauthau.com về một số quy định liên quan đến nguyên tắc, nội dung trong thương thảo hợp đồng trong đấu thầu. Mong rằng sẽ giúp ích cho quý doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu. 

Trường hợp có thắc mắc về đấu thầu cần giải đáp, bạn có thể liên hệ với Huongdandauthau.com qua:

Tác giả: Hồ Thị Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây